Trong số những người bạn tâm giao của Cụ Trần Đại Chí có Cụ Võ Văn
Dũng - người mà sau này đã trở thành một đại tướng của Vua Quang Trung –
Nguyễn Huệ. Trong mối thâm tình ấy, hai người đã thường xuyên trao đổi về
quyền cước, đòn thế cùng những bí kíp võ công đã lĩnh hội được của võ cổ
truyền Bình Định và võ Thiếu Lâm Trung Quốc.
Sau
khi Đại tướng Võ Văn Dũng qua đời, cụ Trần Đại Chí tiếp tục nghiên cứu, chắt
lọc, tổng hợp tinh hoa của hai nền võ thuật Trung Hoa và Việt Nam, đúc kết,
sáng lập nên dòng võ Bình Định Gia
được ghép từ Bình Định (địa phương nơi Cụ lập nghiệp) và Gia (Gia đình).
Thực hiện ý nguyện của Tổ sư Trần
Đại Chí, trải qua các đời Chưởng môn Trần Đại Si, Trần Đại Y võ phái gia đình
này ngày càng phát triển mạnh mẽ với một hệ thống các bài quyền thảo, các loại
binh khí ngày càng phong phú. Đặc biệt là Thập nhị bộ và Ngũ bộ tinh (Hầu
quyền, Xà quyền, Hạc quyền, Hùng quyền, Hổ quyền), đặc dị với hiệu quả và công
năng chiến đấu cao. Các loại binh khí từ phổ thông, dễ sử dụng như trường côn,
đoản côn, thương, nhị khúc, tam khúc, kiếm, đao, phủ, thiết phiến…đến các loại
độc khí, ám khí như Ô giang thiết địch, tiêu dây, tiêu đũa, tiêu sao…ngày càng
được nghiên cứu phát huy hết công năng khi xung trận. Tuy nhiên, những công phu
tuyệt luân ấy chỉ được truyền dạy trong nội tộc để bảo lưu, gìn giữ như một món
Gia bảo mà không được truyền bá ra cho người bên ngoài.
Cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ
XX, lão võ sư Chưởng môn đời thứ tư Trần Hưng Quang và con trai, cố võ sư Chấp
Chưởng môn Trần Hưng Hiệp xin ý kiến của toàn bộ các bậc lão thành trong dòng
họ để mở rộng môn phái, đem tuyệt nghệ công phu của dòng họ truyền dạy cho người
ngoài gia tộc. Sau 5 năm (1983 – 1988) thu nạp đệ tử , môn phái Bình Định Gia
(võ Bình Định Gia truyền) đã tìm và chọn được 5 cá nhân ưu tú làm lễ nhập gia
để truyền dạy như người trong nội tộc.
Đầu
xuân năm 1989, nhận lời mời của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Hà Nội, võ sư
Trần Hưng Quang chính thức tham gia Liên đoàn và khai trương võ đường Bình
Định Gia đầu tiên tại trường PTCS Việt Nam -Angieri (gọi là võ đường
Việt -An). Từ đây Bình Định Gia bắt đầu chuyển sang một trang mới - truyền
dạy võ thuật cho quảng đại quần chúng.