Hotline: 09036356899 Email: binhdinhgia1102@gmail.com
    

 


LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

0:1 | 06/06/2017

1- Truyền bá tinh hoa võ thuật:

Võ sư Chấp chưởng môn Trần Hưng Hiệp là con thứ 3 của Lão võ sư Trần Hưng Quang. Trần Hưng Hiệp sinh ngày 15 tháng 8  năm 1966 tại Hà Nội. Từ nhỏ Hưng Hiệp đã được lão võ sư Trần Hưng Quang chú ý rèn cặp. Đam mê võ và đam mê nghệ thuật, năm 1983 Trần Hưng Hiệp trúng tuyển vào lớp diễn viên Cải Lương (hệ đại học, khóa 1 của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội). Bên cạnh việc học chuyên môn, Ông miệt mài tập luyện võ nghệ. Không chỉ giỏi về nội công, quyền cước, binh khí, ám khí, Hưng Hiệp còn giỏi cả về y thuật, đặc biệt là các bài thuốc giải đòn, trị thương, bấm huyệt. Biết ở đâu có thầy giỏi, Trần Hưng Hiệp đều gắng lặn lội tìm đến bái sư. Chính sự ham học hỏi, rèn luyện đã giúp Ông có được vốn võ học mà sau này nhiều người trong giới phải nể phục.

Vào năm 1990, khi ở tuổi 24, Trần Hưng Hiệp đã trở thành võ sư trẻ tuổi nhất trong làng võ cổ truyền Việt Nam. Bằng tâm huyết của người muốn lưu giữ, phát triển những tinh hoa của võ thuật dân tộc, bằng khả năng định hướng, tổ chức thuyết phục tốt, cố võ sư Trần Hưng Hiệp với sự giúp sức của cha mình, người anh kết nghĩa Đinh Quang Trung và 4 đại đệ tử đã xây dựng được một hệ thống vững chắc các võ đường, câu lạc bộ trên hầu khắp các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, với đội ngũ huấn luyện viên, trợ giáo đông về lực lượng, giỏi về chuyên môn và tất cả đều đoàn kết, tâm huyến với môn phái, nên chỉ một thời gian ngắn, Bình Định Gia đã thu hút hàng chục ngàn môn sinh đăng ký theo học. Thời điểm những năm 90, do lượng học sinh đăng ký theo tập đông nên hầu như tuần nào Bình Định Gia cũng phải tổ chức mở lớp tại địa điểm nhà văn hóa của các địa phương. Ngay từ ngày ấy, Bình Định Gia đã xây dựng một đội biểu diễn võ cổ truyền rất chuyên nghiệp, với khoảng hai chục võ sỹ có trình độ võ thuật vững vàng sẵn sàng đi biểu diễn bất cứ đâu. Ngoài biểu diễn những bài côn, quyền tập thể, nhân dân khắp nơi đặc biệt thích thú khi được xem võ sỹ Bình Định Gia biểu diễn các loại binh khí, quyền cước đối kháng, công phu về nội công, công phá. Những màn võ sỹ lưng trần nằm trên mảnh thủy tinh cho xe tải lăn qua, đâm giáo nhọn vào yết hầu, tấn vững để đá trên gáy dùng búa đập vỡ hay đứng từ trên cao khoảng hai mét chân trần nhảy vào đống mảnh thủy tinh vỡ mà chân không hề hấn gì…đã một thời làm nên danh tiếng võ phái Bình Định Gia. Những người đầu tiên góp công xây dựng nền tảng cho môn phái Bình Định Gia phát triển phải kể đến nhóm “Tứ trụ” đó là bốn cái tên: Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Mạnh Toàn, Hồ Chí Dũng, Bùi Chí Kiên và người anh kết nghĩa là Võ sư Đinh Quang Trung.

Thế hệ HLV đầu tiên của Môn phái Bình Định Gia

Hàng đứng (từ trái qua phải) : Phùng Văn Hà - Nguyễn Văn Thành - Nguyễn Khắc Thành - Bùi Chí Kiên

Hàng ngồi (từ trái qua phải) : Nguyễn Hữu Hiệp - Đinh Quang Trung - Nguyễn Mạnh Toàn - Nguyễn Xuân Hải



Sau này khi môn phái phát triển mạnh, đội ngũ võ sư, võ sỹ, huấn luyện viện rất hùng hậu, tuy nhiên năm người trên vẫn để lại môn phái những dấu ấn đặc biệt. Hiện nay, vì cuộc sống mưu sinh, mỗi người có một con đường phát triển ngành nghề, môi trường hoạt động riêng nhưng tất thảy họ vẫn đều từng ngày đau đáu cho sự phát triển của môn phái Bình Định Gia. Thế nên, hàng tháng vào một ngày nhất định họ đều dành thời gian về căn hộ tại nhà A10, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, nơi trước đây là phòng tập của cố Võ sư  Trần Hưng Hiệp để bàn bạc, định hướng hoạt động của Môn phái.

Đầu hè năm năm 1989, sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, từ võ đường Việt-An, Trần Hưng Hiệp cùng các đại đệ tử của mình đã tiến hành mở võ đường tại nhà văn hóa ở các địa phương như: Từ liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Đông Anh, Sơn Tây, Sóc Sơn,Vĩnh Phúc...vv.

Năm 1990 võ sư Trần Hưng Hiệp lập gia đình cùng bà Lê Minh Thu - một đề tử của Bình Định Gia. Năm 1993 ông bà sinh được một cậu con trai là Trần Hưng Đạt.

Theo năm tháng, hệ thống võ đường không ngừng phát triển ra khắp các tỉnh thành miền Bắc và có đến hàng vạn võ sinh theo học. Trong khi Môn phái đang phát triển rầm rộ thì vào đầu năm 1996, Võ sư Chấp chưởng môn Trần Hưng Hiệp đột ngột qua đời trong một tai nạn. Vượt qua tổn thất to lớn, các đệ tử của môn phái dưới sự lãnh đạo của võ sư Trần Hưng Quang đã tiếp tục duy trì và phát triển những thành quả mà Võ sư Trần Hưng Hiệp để lại.

2- Những thành quả:

Sau 30 năm xây dựng, phát triển và tham gia các hoạt của Hội võ thuật cổ truyền Hà Nội, môn phái Bình Đình Gia đã có những thành công nhất định. Ngoài việc có một đội ngũ võ sư, huấn luyện viên có đẳng cấp trong làng võ cổ truyền là hệ thống các câu lạc bộ dàn trải trên khắp 18 tỉnh thành từ Nghệ An đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái…Hiện tại, môn phái Bình Định Gia thường xuyên có khoảng 20 ngàn võ sinh tham gia luyện tập ở hàng trăm võ đường. Từ những “lò võ” này, mấy chục năm qua Bình Định Gia đã sản sinh ra lớp lớp nhân tài đóng góp thành tích, công sức cho thể thao nói chung, võ thuật nói riêng của Thủ đô và cả nước. Đặc biệt, có hai cái tên rất thành công cả con đường võ thuật và học thuật là Thạc sỹ – Trung tá Nguyễn Xuân Hải, võ đường Hà Đông, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Thể thao CAND. Người còn lại là Tiến sỹ Trần Kim Tuyến, võ đường Đông Anh, hiện là trưởng khoa Sư phạm trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh.

Còn trong thi đấu các giải quốc nội, có thể nói không ngoa rằng Bình Định Gia đã chiếm ưu thế tuyệt đối khi tham dự 29 kỳ đại hội võ thuật cổ truyền Hà Nội do Hội võ thuật Hà Nội tổ chức thì 28 lần nhất toàn đoàn với hàng trăm huy chương các loại. Những thành tích này đã nói lên sự ưu việt của môn phái Bình Định Gia trong những năm qua. Trong thành công đó, ngoài sự đào tạo, định hướng của lão võ sư Chưởng môn Trần Hưng Quang, võ sư chấp Chưởng môn Trần Hưng Hiệp và 5 đại đệ tử còn có sự đóng góp công sức, tâm huyết không nhỏ của các võ sư, huấn luyện viên Nguyễn Xuân Hải, Phùng Trung Hải, Bùi Công Phương, Trần Ngọc Quyền, Đinh Hoàng Đức, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Danh Tuấn, Lê Huyền Anh, Nguyễn Đức Đại, Cao Hồng Ngư …vv và những võ sư và huấn luyện viên khác, những người vẫn đang ngày đêm “chung lưng, đấu cật” cùng nhau vì sự phát triển của môn phái.

3- Định hướng phát triển:

Để Bình Định Gia ngày càng phát triển, mới đây những Hội đồng gia tộc của môn phái đã đồng tâm, hiệp sức cùng nhau vạch ra định hướng phát triển trong những năm tới. Trong đó đặc biệt quan trọng là thống nhất tư tưởng “ Võ học vị nhân – Võ công khai trí” bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống võ thuật cổ truyền Bình Định nói chung và Bình Định Gia nói riêng. Từ đó Hội đồng gia tộc đã thống nhất thành lập các bộ phận chuyên trách giúp việc Chưởng môn hoạch định chiến lược phát triển, thiết lập môn qui tới tất cả các võ đường nhằm giúp các võ đường phát triển đúng hướng. Với sự đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới của tất cả các võ đường, câu lạc bộ trong môn phái, chắc chắn thời gian tới đây, môn phái Bình Định Gia sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để đáp ứng tâm nguyện một đời của cố lão võ sư chưởng môn Trần Hưng Quang và cố võ sư chấp chưởng môn Trần Hưng Hiệp là “phải gìn giữ, phát huy được những tinh hoa võ thuật của dân tộc cho đời đời con cháu mai sau”.

Vào năm 2014, sau khi võ sư Trần Hưng Quang qua đời, Hội đồng gia tộc và Ban Lãnh đạo Môn phái đã quyết định giao chức Chưởng môn phái Bình Định Gia cho bà Lê Minh Thu - vợ cố võ sư Trần Hưng Hiệp.

Tiếp nối truyền thống của Môn phái, các thế hệ võ sư, huấn luyện viên, võ sinh của môn phái Bình Định Gia luôn phát huy tinh thần tôn sư trọng đạo, giữ vững tâm truyền của bản Môn với tư tưởng “Võ đạo vị nhân sinh - Võ công khai trí tuệ”